Sau khi chết Vương_Chấn_(hoạn_quan)

Bị truy lục

Em Anh Tông là Thành vương Chu Kỳ Ngọc lên làm nhiếp chính, Vu Khiêm được phong làm Binh bộ Thượng thư (thay Khoáng Dã bị giết ở Thổ Mộc bảo). Vu Khiêm tố cáo các tội lỗi Vương Chấn gây ra tai họa cho Anh Tông, Thành vương bèn hạ lệnh tịch biên gia sản ông và những người trong phe phái. Trong số các gia tài bị tịch thu có những ngôi nhà nguy nga sang trọng như cung điện và nhiều của vàng bạc châu báu quý hiếm cùng hàng vạn con ngựa[19].

Cháu Vương Chấn là Vương Sơn (anh Vương Lâm) giữ chức Cấm Y vệ đồng tri bị bắt giết, chặt thành từng khúc giữa chợ. Những người trong họ ông cũng bị giết hàng loạt. Thành vương lên làm vua, tức là Minh Đại Tông.

Được phục hồi danh dự

Năm 1450, Minh Anh Tông được người Ngõa Lạt thả về nước, được vua em Đại Tông tôn làm thái thượng hoàng và giam lỏng ở kinh thành.

Đầu năm 1457, Minh Anh Tông làm "Đoạt môn chi biến" (Binh biến đoạt môn) phục hồi ngôi vua. Minh Anh Tông vẫn nhớ đến công lao trước đây của Vương Chấn với mình, vì vậy theo kiến nghị của thái giám Lưu Hằng và thủ hạ của ông là Tào Cát Tường, hạ lệnh khôi phục chức tước, danh dự cho ông[20]. Minh Anh Tông còn tổ chức chiêu hồn ông về an táng, cúng tế cho ông tại chùa Tri Hòa, đặt tên đền thờ ông là Tinh Trung[21]. Vì việc này, Vương Chấn là hoạn quan đầu tiên của Trung Quốc được lập đền thờ, từ đó về sau các hoạn quan khác cũng được lập đền thờ[22]. Môn hạ của ông là Tào Cát Tường cũng được trọng dụng.